CÁCH KIỂM TRA BÁO CÁO TÀI CHÍNH CUỐI NĂM/CUỐI KỲ
Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Báo cáo tài chính phản ánh sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp. Báo cáo tài chính cuối năm gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối tài khoản và thuyết minh BCTC.
Để giải quyết băn khoăn “Lên báo cáo tài chính đã chính xác chưa?”, nào cùng Đại lý thuế Vntax cùng tìm hiểu nhé!!!
Việc kiểm tra được chia thành hai phần:
- Kiểm tra tổng thể báo cáo tài chính
- Kiểm tra chi tiết các tài khoản của báo cáo tài chính
KIỂM TRA TỔNG THỂ BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Dựa vào Bảng cân đối tài khoản để nhìn tổng thể các tài khoản phát sinh trong kỳ. Mỗi tài khoản thể hiện số phát sinh, số dư thể hiện các giao dịch phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp thông qua các nguyên tắc kế toán. Với các tài khoản doanh thu, chi phí cần kết chuyển hết trong kỳ.
Từ Bảng cân đối tài khoản kiểm tra các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh. Kiểm tra các chỉ tiêu bất thường, chỉ tiêu biến động bất thường năm trước với năm nay.
KIỂM TRA CHI TIẾT CÁC TÀI KHOẢN CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Nào, chúng ta cùng tìm hiểu một số tài khoản cơ bản nhé!
Nguyên tắc chung đối với các tài khoản là cần kiểm tra đối ứng bất thường
Kiểm tra các tài khoản có biến động lớn (kiểm tra theo tháng) ví dụ như các chi phí cố định, tỷ suất lợi nhuận…
Kiểm tra xem có tình trạng âm quỹ không? Đối chiếu số dư tài khoản tiền mặt với biên bản kiểm kê tiền, sổ quỹ
Kiểm tra xem có thanh toán bằng tiền mặt của các hóa đơn cùng một ngày của một nhà cung cấp trên 20 triệu hay không?
Kiểm tra số dư tiền gửi ngân hàng khớp với số dư trên sao kê hay chưa?
Đối với các tài khoản công nợ (Công nợ phải thu, công nợ phải trả, công nợ phải thu, phải trả khác…) sổ tổng hợp có khớp với Bảng cân đối tài khoản hay không? Có số dư công nợ quá hạn hay không? Kiểm tra các khoản bù trừ công nợ. Đối chiếu với biên bản xác nhận công nợ (nếu có). Nếu có số dư công nợ ngoại tệ có đánh giá hay chưa? Đối với công nợ quá hạn có cần trích lập dự phòng hay chưa? Trích lập dự phòng đã phù hợp hay chưa?
Kiểm tra hợp đồng tiền gửi (để phân loại vào tương đương tiền hay đầu tiền gửi có kỳ hạn)
Kiểm tra hợp đồng đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác để phân loại cho phù hợp
Về chi phí trả trước cần kiểm tra lại xem có sót chi phí nào chưa thể hiện trên bảng phân bổ. Kiểm tra thời gian phân bổ. Kiểm tra số dư tài khoản chi phí trả trước trên bảng phân bổ so với Bảng cân đối tài khoản.
Đối với tài sản cố định, cũng gần tương tự như Chi phí trả trước. Tuy nhiên nhắc đến “Tài sản cố định” là biết đây là mục quan trọng của doanh nghiệp. Chúng ta cần: Kiểm tra lại xem có sót tài sản nào chưa thể hiện trên bảng phân bổ; Kiểm tra thời gian phân bổ phù hợp theo khung thời gian khấu hao theo Thông tư 45/2013/TT-BTC. Kiểm tra số dư tài sản cố định bao gồm Nguyên giá tài sản cố định và Khấu hao lũy kế trên bảng phân bổ so với Bảng cân đối tài khoản; Kiểm tra bộ hồ sơ liên quan đến TSCĐ như quyết định mua, đưa vào sử dụng, bàn giao…
Hàng tồn kho của doanh nghiệp thì kiểm tra như thế nào? Kiểm tra số dư trên bảng tổng hợp tồn kho so với Bảng cân đối tài khoản; Kiểm tra tình trạng âm kho; Đối chiếu với biên bản kiểm kê kho (nếu có). Đối với hàng tồn kho mất phẩm chất hoặc giảm giá trị có cần trích lập dự phòng hay không? Trích lập dự phòng đã phù hợp hay chưa?
Thuế và các khoản phải nộp nhà nước cần kiểm tra khớp số với tờ khai đã nộp (tờ khai thuế giá trị gia tăng, tờ khai thuế thu nhập cá nhân…) Về thuế giá trị gia tăng, kiểm tra số thuế được khấu trừ chuyển kỳ sau đã khớp với thuế GTGT được khấu trừ trên báo cáo tài chính hay chưa? Về thuế thu nhập cá nhân kiểm tra xem có khớp số liệu trên bảng lương hay không? Bảng lương tính đúng thuế thu nhập cá nhân hay không? Các khoản phụ cấp thưởng có cho vào bảng lương tính thuế hay không, có phù hợp với quy định hay không?
Kiểm tra khớp số dư tài khoản phải nộp bảo hiểm xã hội với thông báo BHXH
Kiểm tra báo cáo bán hàng xem có vấn đề gì không?
Kiểm tra giá vốn có tương ứng với doanh thu hay không?
Kiểm tra xem có chi phí nào không được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không? Nếu có cần theo dõi riêng. Kiểm tra xem có giao dịch liên kết hay không? Thuế thu nhập doanh nghiệp trên báo cáo tài chính khớp số so với tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, số thuế thu nhập doanh nghiệp ước tính theo quy định hay chưa?
Báo cáo tài chính không chỉ phục vụ để nộp cho các cơ quan ban ngành, phục vụ quyết định của các nhà đầu tư, chủ sở hữu mà còn phản ánh kết quả hoạt động của một quá trình Doanh nghiệp nói chung, toàn bộ nỗ lực và năng lực nhân viên trong công ty nói riêng, vì thế Báo cáo tài chính cần được hết sức lưu ý khi lập và trình bày. Để Báo cáo tài chính phản ánh phù hợp và chính xác nhất, chúng ta cần kiểm tra, cẩn thận trong suốt quá trình hạch toán kế toán, trong mỗi chứng từ kế toán, mỗi một nghiệp vụ kinh tế và toàn thể báo cáo tài chính.